HIV là một loại virus chỉ lây truyền giữa người với người theo những cách cụ thể. Hiểu biết về HIV lây qua đường nào có thể giúp ngăn ngừa lây truyền và giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Hãy trang bị ngay từ hôm nay qua những chia sẻ chi tiết ở bài viết dưới đây của trung tâm tư vấn HIV PACHAIPHONG:
Mục lục:
Bạn bị nhiễm hoặc lây truyền HIV khi nào?
Bạn chỉ có thể bị nhiễm HIV khi tiếp xúc trực tiếp với một số chất dịch cơ thể của người nhiễm HIV có tải lượng virus có thể phát hiện được trong cơ thể của họ.
Những chất dịch cơ thể này là:
- Máu
- Tinh dịch
- Dịch trực tràng
- Dịch âm đạo
- Sữa mẹ
Để xảy ra sự lây truyền, HIV trong những chất dịch này phải đi vào máu của người âm tính với HIV qua chất nhầy (có trong trực tràng, âm đạo, miệng hoặc đầu dương vật); qua vết cắt hoặc vết loét hở; hoặc bằng cách tiêm trực tiếp.
Nếu bạn chưa biết rõ về HIV thì nên xem trước: HIV là gì? Tại sao nó được xem là đại dịch toàn cầu?
Những người nhiễm HIV uống thuốc điều trị bằng liệu pháp kháng virus ARV hằng ngày theo đúng chỉ định và giữ được tải lượng virus ở mức không phát hiện được sẽ không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục cho bạn tình không nhiễm HIV của họ.
Hãy đọc tiếp phần bên dưới để biết về HIV lây truyền qua đường nào!
Sự thật về: HIV lây qua đường nào?
Virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) là một loại virus tấn công hệ miễn dịch. Một người bị nhiễm HIV có thể lây truyền sang cho người khác qua các con đường sau đây:
Con đường lây truyền HIV phổ biến nhất
HIV lây qua đường nào là phổ biến nhất?
1. Tình dục
Phơi nhiễm HIV có thể xảy ra khi quan hệ tình dục. Cả quan hệ tình dục qua đường hậu môn và quan hệ tình dục đường âm đạo đều có nguy cơ lây truyền HIV.
Quan hệ tình dục qua đường hậu môn là hình thức lây nhiễm HIV mang lại rủi ro cao nhất trong các hình thức quan hệ tình dục.
Lý do là quan hệ tình dục qua đường hậu môn có nguy cơ chảy máu cao hơn do các mô lót hậu môn và ống hậu môn rất mỏng và dễ rách.
Điều này cho phép virus xâm nhập vào cơ thể dễ dàng hơn, ngay cả khi bạn không thấy chảy máu, vì các vết vỡ ở niêm mạc hậu môn có thể rất nhỏ.
Xem thêm: Quan hệ tình dục sau bao lâu thì bị HIV?
2. Dùng chung dụng cụ tiêm chích
Dùng chung kim tiêm để tiêm chích ma túy làm lây truyền HIV hiệu quả nhất.
Điều này là do kim tiêm và ống tiêm đã qua sử dụng vẫn có thể chứa máu và mang virus HIV.
HIV không phải là loại virus duy nhất có thể lây truyền khi dùng chung dụng cụ tiêm chích ma túy. Các virus gây viêm gan B và viêm gan C cũng có thể truyền đi theo cách này.
Con đường lây truyền HIV ít phổ biến hơn
Ngoài các con đường phổ biến trong để HIV có thể lây truyền nhanh chóng từ người này sang người khác.
Các con đường dưới đây có thể làm lây truyền HIV:
1. Truyền máu và hiến tạng
HIV có thể lây truyền qua con đường truyền máu và hiến tạng.
Tuy nhiên, hiện nay ngân hàng máu đều được xét nghiệm kỹ đối với một số loại mầm bệnh lây truyền qua đường máu, bao gồm cả HIV.
Việc hiến tặng nội tạng cũng được sàng lọc. Mặc dù rất hiếm khi việc lây truyền HIV xảy ra sau khi cấy ghép nội tạng.
Tuy nhiên, xét nghiệm người nhận nội tạng sau khi phẫu thuật có thể nhanh chóng phát hiện sự lây truyền để có thể bắt đầu dùng thuốc điều trị ARV kịp thời.
2. Mang thai và cho con bú
HIV cũng có thể lây truyền từ người đang mang thai sang con của họ trong khi mang thai, khi sinh nở và khi cho con bú.
Tuy nhiên, khuyến cáo xét nghiệm HIV cho tất cả những người mang thai có thể làm giảm đáng kể số trẻ sơ sinh nhiễm HIV theo cách này.
Ngoài ra, nếu người mẹ bị nhiễm HIV được điều trị ARV trong thời kỳ mang thai và cho con bú, nguy cơ lây truyền gần như có thể được loại bỏ.
3. Quan hệ tình dục bằng miệng
Quan hệ tình dục bằng miệng là con đường lây truyền HIV ít phổ biến hơn.
Một người có thể bị lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục bằng miệng do:
- Vết loét hở trong miệng hoặc trên bộ phận sinh dục.
- Chảy máu nướu răng.
- Mắc các loại nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục khác.
4. Hôn sâu và hở miệng
Mặc dù rất hiếm, nhưng HIV vẫn có thể lây truyền khi hôn sâu và hở miệng.
Trong khi virus không thể lây truyền qua nước bọt, sự lây truyền có thể xảy ra nếu trong miệng có máu.
Điều này có thể xảy ra khi cả hai đối tác bị chảy máu nướu răng, vết cắt hở hoặc vết loét trong miệng của họ.
5. Phơi nhiễm nghề nghiệp
HIV có thể lây truyền qua các chấn thương tình cờ liên quan đến công việc, chẳng hạn như vết cắt hoặc bị kim tiêm đâm.
Các nhân viên y tế và người làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe có nguy cơ bị phơi nhiễm HIV nghề nghiệp cao nhất, nhưng khả năng xảy ra là rất thấp.
HIV không lây qua đường nào?
Bên cạnh bạn biết rõ về HIV lây qua đường nào, thì việc hiểu cả HIV không lây qua đường nào cũng mang ý nghĩa quan trọng giống nhau.
HIV không lây qua:
- Không khí hoặc nước.
- Muỗi, bọ ve hoặc các loại côn trùng khác.
- Nước bọt, nước mắt hoặc mồ hôi không lẫn máu của người nhiễm HIV.
- Bắt tay; sờ; ôm ấp; dùng chung nhà vệ sinh; dùng chung bát đĩa, đồ đạc hoặc ly uống nước; Hôn môi kín hoặc hôn “xã giao” với người nhiễm HIV.
- HIV không thể truyền qua da khỏe mạnh, chưa có vết thương.
Những người có nguy cơ nhiễm HIV cao nhất là ai?
Những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao nhất bao gồm:
- Người quan hệ tình dục qua đường hậu môn hoặc âm đạo mà không sử dụng bao cao su hoặc các phương pháp rào cản khác.
- Người có quan hệ tình dục với nhiều người.
- Dùng chung dụng cụ tiêm chích ma túy.
- Mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, chẳng hạn như lậu, giang mai,…
- Tiêm hoặc thực hiện các thủ thuật y tế khác với thiết bị chưa được tiệt trùng.
- Người sống trong cộng đồng có mức độ lây nhiễm HIV cao.
Tải lượng virus HIV có ảnh hưởng đến việc lây truyền HIV không?
Tải lượng virus là số lượng virus có thể phát hiện được trong máu.
Tải lượng virus có thể phát hiện hoặc đo được là một yếu tố nguy cơ lây truyền HIV. Tỷ lệ tải lượng virus cao làm tăng nguy cơ lây truyền HIV từ người này sang người khác.
Tải lượng virus cao nhất cả trong giai đoạn đầu (giai đoạn cấp tính) của HIV và khi chưa được điều trị bằng thuốc kháng virus.
Việc uống thuốc kháng virus mỗi ngày có thể làm giảm tải lượng virus của một người xuống mức rất thấp, thậm chí là ở mức không phát hiện được thông qua xét nghiệm.
Theo cách này, thuốc điều trị HIV (ARV) không chỉ là một phương pháp điều trị mà còn là một công cụ quan trọng để phòng ngừa.
Khi không phát hiện được HIV trong máu, người nhiễm HIV không thể lây truyền virus qua đường tình dục cho bạn tình không nhiễm HIV.
Xem thêm: Test nhanh HIV sau bao lâu thì chính xác?
Tải lượng virus của một người được cho là “không thể phát hiện được” khi tất cả các kết quả xét nghiệm đều không thể phát hiện được trong ít nhất 6 tháng sau kết quả không thể phát hiện được đầu tiên.
Kết Luận
Hiểu biết rõ về HIV lây qua đường nào và không lây qua đường nào, cũng như các vấn đề liên quan đến việc lây truyền HIV như: Khi nào thì bạn bị nhiễm HIV hoặc đối tượng nguy cơ cao dễ lây nhiễm HIV, tải lượng virus HIV có ảnh hưởng đến việc lây truyền không?
Tất cả những điều này sẽ giúp bạn ngăn chặn được việc lây nhiễm HIV từ người này sang người khác.
Đồng thời, xóa bỏ sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người bị nhiễm HIV để cùng nhau chung tay xây dựng một đời sống lành mạnh, hòa hợp và yêu thương, tiến tới mục tiêu chấm dứt đại dịch HIV trên toàn cầu.