PrEP là gì? Tính hiệu quả mà phương pháp này như thế nào? Ai nên và không nên sử dụng PrEP? và những điều quan trọng khi lựa chọn PrEP là gì? Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn qua bài viết sau đây.
Mục lục:
PrEP là gì?
PrEP, hay còn gọi là dự phòng trước phơi nhiễm, là một lựa chọn phòng ngừa HIV bằng việc sử dụng thuốc chống HIV để bảo vệ những người âm tính với HIV không bị nhiễm HIV.
Nguyên lý hoạt động của PrEP tương tự như việc sử dụng thuốc trị sốt rét, dùng để dự phòng sốt rét khi đi du lịch ở các nước nhiệt đới.
Nếu người dùng PrEP bị phơi nhiễm với HIV, các loại thuốc chống HIV trong cơ thể họ sẽ ngăn virus xâm nhập vào tế bào và nhân lên. Điều này ngăn không cho HIV tự hình thành và ngăn ngừa sự lây nhiễm HIV sang cho người khác.
Các nghiên cứu cho thấy PrEP có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa lây truyền HIV qua đường tình dục, miễn là bạn dùng thuốc trước và sau khi quan hệ tình dục theo chỉ dẫn.
Lựa chọn điều trị này được áp dụng cho cả nam và nữ hoặc những người đồng tính. Trong khi PrEP có thể ngăn ngừa HIV, nhưng nó không ngăn ngừa các bệnh nhiễm qua đường tình dục khác hoặc mang thai.
PrEP hiệu quả như thế nào?
PrEP không mang lại hiệu quả bảo vệ 100%, nhưng lựa chọn điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV này có hiệu quả cao và cung cấp rất nhiều khả năng bảo vệ chống lại HIV.
Trong một nghiên cứu gần đây, PrEP đã được chứng minh là có khả năng làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV khi quan hệ tình dục trên 90% khi sử dụng liên tục.
Đối với những người tiêm chích ma túy, PrEP làm giảm nguy cơ lây nhiễm ít nhất là 74% khi dùng thuốc theo đúng quy định.
PrEP có hiệu quả hơn đối với những người tuân thủ (sử dụng thuốc thường xuyên và đúng quy định) so với những người hay bỏ lỡ liều hằng ngày của họ.
Nên dùng PrEP hằng ngày vì sử dụng PrEP mỗi ngày là cách tiếp cận hiệu quả, an toàn và tiện lợi nhất.
Đối tượng nên cân nhắc sử dụng PrEP
PrEP dành cho đối tượng tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Nếu bạn nghĩ rằng mình có nguy cơ lây nhiễm HIV cao hoặc bạn sống ở nơi có tỷ lệ nhiễm HIV, thì có nhiều lý do khiến bạn phải xem xét lựa chọn điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Ví dụ như:
- Bạn không sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục
- Bạn đang có hoặc đã có quan hệ tình dục nhiều hơn một đối tác tình dục trong khoảng thời gian sáu tháng.
- Bạn có bạn tình có thể có nguy cơ lây nhiễm HIV.
- Bạn đang quan hệ tình dục không an toàn với người tiêm chích ma túy và dùng dụng cụ tiêm chích với người khác.
- Bạn tiêm thuốc và dùng chung dụng cụ tiêm chích.
- Bạn được chẩn đoán bị nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, chẳng hạn như bệnh lậu, giang mai hoặc mụn rộp sinh dục,…
- Bạn đang quan hệ tình dục không an toàn với người bị nhiễm HIV và người không điều trị ARV (liệu pháp kháng virus dùng trong điều trị HIV), hoặc người đang điều trị ARV nhưng chưa ức chế được tải lượng virus xuống mức không thể phát hiện được.
- Bạn đang quan hệ tình dục với một người bị nhiễm HIV mà họ không biết mình bị nhiễm.
Hầu hết những nguy cơ này sẽ lớn hơn ở những nơi hoặc cộng đồng có tỷ lệ lây nhiễm HIV cao.
Ngoài ra, một số các nhóm đối tượng sau đây cũng nên tìm hiểu thêm về việc liệu PrEP có phải là một lựa chọn tốt dành cho họ hay không:
- Người có quan hệ tình dục đồng giới
- Người bán dâm, đặc biệt nếu không được sử dụng bao cao su trong mọi hành vi quan hệ tình dục.
- Những người, bao gồm cả trẻ em gái vị thành niên và phụ nữ trẻ sống ở các khu vực có tỷ lệ lây nhiễm HIV cao.
- Những người tiêm chích ma túy.
Ai không được sử dụng PrEP?
Bên cạnh những đối tượng cần nên xem xét việc sử dụng lựa chọn điều trị dự phòng trước phơi nhiễm, thì các đối tượng sau không được sử dụng PrEP:
- Những người đã bị nhiễm HIV không nên dùng PrEP. Thay vào đó, họ nên được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV).
- Những người bị bệnh thận không nên sử dụng PrEP có chứa tenofovir.
Các thuốc được sử dụng trong PrEP
Có hai loại thuốc uống được cho phép để sử dụng hằng ngày khi bạn lựa chọn điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV.
PrEP là viên thuốc được kết hợp từ hai loại thuốc chống HIV, bao gồm:
- Truvada: Một hỗn hợp của emtricitabine và tenofovir disoproxil fumarate.
- Descovy: Một hỗn hợp của emtricitabine và tenofovir alafenamide.
Việc sử dụng PrEP hằng ngày giúp cung cấp một lượng thuốc cao nhất trong máu và các mô cơ thể. Do đó, mức độ bảo vệ sẽ cao nhất. Nếu bạn dùng PrEP hằng ngày, bạn vẫn có thể được bảo vệ ngay cả khi bạn bỏ lỡ một liều một lần.
PrEP cần có thời gian để tăng mức độ bảo vệ của thuốc trong máu và các mô khác trong cơ thể. Chính vì thế, các biện pháp phòng ngừa bổ sung nên được thực hiện trong 7 ngày đầu tiên khi bắt đầu với PrEP.
Các biện pháp phòng ngừa bổ sung chẳng hạn như áp dụng các phương pháp tình dục an toàn bằng việc không quan hệ qua đường âm đạo hoặc hậu môn, hoặc sử dụng bao cao su.
Các chuyên gia y tế đề xuất rằng PrEP nên được tiếp tục trong 28 ngày sau lần cuối cùng có khả năng phơi nhiễm với HIV.
Tác dụng phụ của PrEP là gì?
Các nghiên cứu cho thấy, PrEP là lựa chọn điều trị an toàn, không có ảnh hưởng đáng kể nào đến sức khỏe ở những người âm tính với HIV và đã dùng PrEP đến 5 năm.
Một số người dùng PrEP có thể có các tác dụng phụ như buồn nôn, nhức đầu, tiêu chảy, mệt mỏi và đau dạ dày. Những tác dụng phụ này thường không nghiêm trọng và biến mất theo thời gian.
Nếu bạn đang dùng PrEP và có bất kỳ tác dụng phụ nào ảnh hưởng đến cơ thể, hãy báo ngay cho bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn.
Những điều quan trọng khi bạn dùng PrEP là gì?
Trước khi bắt đầu áp dụng PrEP, bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe của bạn và chỉ định một số xét nghiệm cần thiết, bao gồm:
- Xét nghiệm HIV
- Xét nghiệm phát hiện các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục
- Xét nghiệm chức năng gan và thận
Bạn cần nhớ rằng PrEP phải được thực hiện theo quy định mới đem lại hiệu quả bảo vệ tối đa.
Bên cạnh đó, bạn nên tái khám 3 tháng một lần để làm các xét nghiệm HIV và STI (Các bệnh lây truyền qua đường tình dục) nhắc lại và để được kê đơn PrEP mới.
Một điều mà bạn nên lưu ý là PrEP bảo vệ bạn chống lại HIV nhưng không chống lại các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục(STI) như bệnh giang mai, lậu,
Do đó, kết hợp PrEP với bao cao su sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
Điều quan trọng là bạn phải nên được kiểm tra sức khỏe tình dục 3 tháng một lần khi đang sử dụng PrEP, ngay cả khi bạn không có triệu chứng gì.
Các lựa chọn phòng ngừa HIV khác
Có nhiều cách dễ dàng và hiệu quả để ngăn ngừa HIV. Ngoài PrEP, khả năng lây truyền HIV cũng có thể được ngăn chặn bằng cách:
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo hoặc đường hậu môn.
- Sử dụng dụng cụ tiêm sạch, vô trùng.
- Kiểm tra sức khỏe tình dục thường xuyên.
- Nên thực hiện xét nghiệm HIV một lần nếu bạn trong độ tuổi từ 13 đến 64 tuổi.
- Thực hiện điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) nếu bạn có khả năng phơi nhiễm với HIV.
Tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ và hoàn cảnh sống, bạn có thể lựa chọn các biện pháp dự phòng HIV. Điều quan trọng là phải tìm ra phương pháp phòng ngừa phù hợp để mang lại hiệu quả bảo vệ tốt nhất cho bạn và những người xung quanh.