Ma tuý còn được biết đến với tên gọi đáng sợ khác là “cái chết trắng” bởi những tác hại nặng nề mà nó có thể gây ra cho cơ thể. Thực tế thì có nhiều con nghiện nhận thức rõ được điều này nhưng do những hấp dẫn, cám dỗ về mặt tinh thần lẫn thể xác mà nó đem lại khiến cho người ta ngày càng lún sâu vào đó. Người nghiện ma tuý sống được bao lâu là vấn đề được nhiều người quan tâm. Nhưng để trả lời được câu hỏi này lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa. Cùng đi tìm lời giải đáp trong bài viết dưới đây:
Mục lục:
Ma tuý có dễ gây nghiện không
Đầu tiên chúng ta phải hiểu rõ bản chất của ma tuý. Ma tuý theo định nghĩa của Liên Hợp Quốc thì nó là “Các chất có nguồn gốc tự nhiên hay tổng hợp, khi xâm nhập vào cơ thể sẽ làm thay đổi trạng thái tâm sinh lý của người sử dụng”. Còn theo tổ chức Y tế Thế giới WHO ma tuý là “Mọi thực thể hóa học hoặc là những thực thể hỗn hợp khác với tất cả những cái được đòi hỏi, để duy trì một sức khỏe bình thường, việc sử dụng những cái đó sẽ làm biến đổi chức năng sinh học và có thể cả cấu trúc của vật”. Nói dễ hiểu nhất thì ma tuý vốn là một chất có tác dụng kích thích thần kinh để giảm đau, mang lại cảm giác hưng phấn, dễ chịu và buồn ngủ. Lâu dần cơ thể sẽ bị phụ thuộc vào chất này, nếu không có được sẽ thấy khó chịu. Hơn thể nữa ma tuý đăc biệt có nhiều tác hại đến cơ thể và rất dễ gây nghiện.
Chất ma tuý là chất gây nghiện, hướng thần được quy định trong các danh mục do chính phủ ban hành. Trong đó chất gây nghiện sẽ gây kích thích hoặc ức chế thần kinh trung ương, gây ra tình trạng nghiện đối với người sử dụng. Còn chất hướng thần cũng gây kích thích hoặc ức chế thần kinh, hoặc gây ảo giác, sử dụng nhiều lần cũng gây nghiện. Bởi vậy chất ma tuý ở đây bao hàm cả chất hướng thần lẫn chất gây nghiện.
Nhiều thanh niên vì trí tò mò nhất thời của bản thân mà nghe theo bạn bè rủ rê “hít một lần không nghiện được đâu”. Khi đã từng một lần dùng ma tuý thì dấu ấn để lại trong tiềm thức của cơ thể là vô cùng mạnh mẽ, nó thôi thúc chúng ta phải dùng lần hai, lần ba rồi nhiều lần nữa. Để rồi bạn trở thành con nghiện lúc nào không hay.
Nó dễ gây nghiện đến mức chỉ cần bạn sử dụng một lần đã có thể bị nghiện. Giống như hầu hết các chất gây nghiện khác thì một khi đã nghiện rồi rất khó có thể cai, mà ma tuý được biết đến là chất gây nghiện hàng đầu. Rất nhiều trường hợp phải tốn công sức, tiền bạc mới cai nghiện được nhưng sau khi tiếp xúc lại với ma tuý thì “ngựa quen đường cũ”. Bởi vậy mà số những người có thể cai nghiện thành công rất ít. Người nghiện ma tuý sống được bao lâu chắc hẳn chính họ cũng sẽ không ý thức được điều này.
Các đường dùng của ma tuý hiện nay
Bằng nhiều cách khác nhau mà người nghiện ma tuý đưa loại chất này vào trong cơ thể mình. Ma tuý có nhiều loại, được chia ra làm các loại chủ yếu là ma tuý tự nhiên, ma tuý bán tổng hợp và ma tuý tổng hợp. Trong các loại trên thì ma tuý tổng hợp được biết đến là độc hại, gây ra nhiều tác hại nặng nề cho người sử dụng. Tuỳ vào từng dạng tồn tại khác nhau mà cách sử dụng cũng khác nhau. Theo đó hiện nay có 3 cách chính đó là:
- Hít: Ma tuý được điều chế nghiền dưới dạng bột mịn. Khi dùng thì người ta sẽ dùng giấy cuộn vào thành ống nhỏ và hít vào mũi. Cách này khá phổ biện được dùng nhiều nhất bây giờ.
- Hút: Ma tuý dùng bằng cách hút sẽ ở dạng tinh thể. Bằng cách nào đó người ta đốt nóng để nó bóc khói sau đó dùng tẩu thuốc hoặc cóng để hút lượng khói này. Hoạt chất ma tuý sẽ đi theo đường hô hấp để vào phổi rồi mới thẩm thấu vào máu.
- Tiêm chích: Một dạng sử dụng nữa được biết đến khá nhiều của ma tuý đó là tiêm chích. Ma tuý sẽ được hoà tan cùng với nước cất. Sau đó thông qua các dụng cụ là kim tiêm để bơm trực tiếp vào mạch máu. Cách dùng này sẽ đem lại tác dụng tức thì, người dùng sẽ “phê” ngay lập tức.
Cảm giác “phê” sau khi dùng ma tuý
Đã bao giờ bạn tự hỏi cảm giác “phê” thuốc mà người nghiện ma tuý vẫn hay nhắc tới là gì không. Thực tế khi ta hít, hút hoặc tiêm chích ma tuý, thuốc sẽ tác dụng kích thích vào vùng não bộ và giải phóng ra rất nhiều dopamin khiến cho ta cảm thấy phê, sung sướng, phấn khích và vô cùng sảng khoải. Cụ thể là:
- Cơ thể bỗng chốc thấy khoẻ khoắn hơn, năng lượng tràn đầy và muốn được giải phóng bằng các hoạt động mạnh.
- Tinh thần sung sướng, tràn đầu hưng phần và sức sống.
- Nhịp tim tăng và tăng huyết áp.
- Thân nhiệt tăng, đồng tử giãn.
- Thở nhanh, thở gấp.
- Tăng giao tiếp
- Miệng khô, nuốt khó, không hề cảm thấy đói.
- Tăng nhu cầu và ham muốn tình dục.
Sau khi dùng ma tuý họ dường như trở thành con người khác, năng lượng tràn trề và có thể làm được nhưng điều phi thường. Các hoạt động và cử chỉ đều được thực hiện nhanh chóng, gấp gáp.
Thế nhưng sau khi hết tác dụng của thuốc, cơ thể không sản xuất dopamin nữa. Điều này khiến cho các hoạt động của chúng ta bình thường bị giảm sút. Cơ thể người này sẽ rơi vào trạng thái trầm cảm, suy kiệt, có thể có ảo giác và cả lên cơn thèm thuốc.
Ma tuý – cái chết “tức thì” hoặc huỷ hoại dần dần cơ thể
Có thể nói ma tuý tác động và gây ra những hệ quả xấu cho hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Có thể kể đến như hệ hô hấp, tiêu hoá, hệ thần kinh, tim mạch, bài tiết và sinh dục.
Đối với đường hô hấp
Ma tuý là chất gây hại cho hệ hô hấp của con người, nhất là khi người dùng sử dụng bằng đường hít hoặc hút. Ma tuý sẽ theo đường thở vào trong phổi gây suy giảm hệ hô hấp. Đầu tiên phải kể đến các bệnh lý hô hấp gặp phải của người nghiện ma tuý đó chính là viêm mũi, viêm xoang, viêm đường hô hấp trên và dưới khi thường xuyên hít ma tuý. Dù có sử dụng bằng đường nào thì hoạt chất trong ma tuý cũng tác động làm tăng nhịp thở do gây kích thích hô hấp hoặc ức chế hô hấp. Trường hợp nặng nhất khi dùng quá liều có thể dẫn đến ngừng thở, tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Ngoài ra nó còn gây ra nhiều bệnh về phổi khác như phù phổi cấp, tràn khí trung thất, tràn khí màng phổi, xuất huyết phế nang, viêm tiểu phế quản tắc nghẽn, viêm phổi, tái phát cơn hen phế quản… thậm chí là tăng nguy cơ bị ung thư phổi.
Đối với hệ tim mạch
Ma tuý là kẻ thù của trái tim và hệ tim mạch nói chung. Chất ma tuý này khi ngấm vào máu sẽ hoạt hoá làm tăng nhịp tim gây ảnh hưởng trực tiếp tới cơ tim, gây ra các cơn co thắt mạch vành dẫn đến đau thắt ngực hay là co thắt mạch dẫn đến các cơn tăng huyết áp. Như vậy rất nguy hiểm cho cơ thể. Trường hợp nặng có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim và tử vong, mọi cấp cứu đều vô hiệu.
Người thường tiêm chích ma tuý nếu không cẩn thận trong khâu vệ sinh sát khuẩn thì rất dễ mắc bệnh nhiễm trùng máu, viêm tắc tĩnh mạch và các bệnh nhiễm trùng khác như viêm gan, HIV/ AIDS…
Đối với hệ thần kinh
Như đã nói ở trên thì ma tuý được xếp vào là một chất có tác dụng hướng thần. Bởi vậy tác hại không thể không kể đến của nó chính là ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương. Khi dùng thuốc người bệnh sẽ có được cảm giác hưng phấn, kích thích, sinh ra ảo giác, có thể hoạt động không biết mệt mỏi, không biết đau, đôi khi cả tuần còn không buồn ngủ… Nhưng thật sự thì nó đang đầu độc hệ thần kinh của chúng ta, khiến cho con người có những trạng thái tâm lý không bình thường và mất đi lý trí.
Các chuyên gia thần kinh nói rằng người nghiện ma tuý lâu năm sẽ có những vấn đề về hệ thần kinh như rối loạn phản xạ thần kinh, chóng mặt, đau đầu kinh niên nếu không có thuốc, suy giảm trí nhớ, viêm dây thần kinh, rối loạn cảm giác, run chân tay… Chúng ta rất dễ nhận thấy người nghiện hút qua các biểu hiện thần kinh đặc trưng của họ như chậm chạp, u sầu, ngại vận động, dễ bị kích động, nóng nảy, hoang tưởng… Sử dụng ma tuý liều cao sẽ dẫn đến tê liệt thần kinh, rối loạn tâm thần, hôn mê sâu, nếu không cấp cứu kịp thời thì có thể tử vong.
Đối với hệ tiêu hoá
Khi phê thuốc người nghiện sẽ thấy thoải mái, sung sướng, không cảm thấy đói nên họ có thể nhịn ăn trong một thời gian dài. Thêm vào nữa giấc ngủ cũng bị đảo lộn, không buồn ngủ, thức đêm nhiều sẽ khiến cho cơ thể gầy sút cân. Ăn uống không đúng bữa, không quan tâm đến thành phần chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể nên hệ tiêu hoá của những người này sẽ dần bị suy kém, dịch tiêu hoá cũng giảm tiết là cho chất lượng tiêu hoá không tốt. Người nghiện thường xuyên có cảm giác buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón…
Đối với hệ bài tiết
Ma tuý gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng bài tiết của cơ thể, đặc biệt là gan. Các chất này sau một quá trình chuyển hoá sẽ tích tụ tại gan, thận làm cho hai cơ quan này dần dần suy yếu không thực hiện được tốt chức năng bài tiết của nó. Sự thật đã chứng minh trên các đối tượng nghiện ma tuý có tỷ lệ cao gặp các bệnh như abces gan, viêm gan, suy gan, suy thận… Các chất độc tố này cũng tích tụ một phần trên da khiến da của họ dần sạm đen, tái nhợt và mắc các bệnh ngoài da như ghẻ lở, hắc lào, lang ben…
Đối với hệ sinh dục
Nhiều người có hiểu biết sai lầm về việc dùng ma tuý có thể giúp làm tăng khả năng trong “chuyện ấy”. Điều này không hoàn toàn đúng. Thật sự khi vừa mới dùng xong ma tuý nhất là các loại ma tuý dạng tổng hợp thì người nghiện sẽ thấy hưng phấn hơn, nhu cầu tình dục tăng và có thể làm tình mà không biết mệt mỏi. Đó là do những ảo tưởng tình dục. Khi ngưng sử dụng thì nhu cầu sẽ giảm đi một cách rõ rệt, và nó vẫn tồn tại trong một thời gian dài dù bạn đã ngưng dùng thuốc. Một số nam giới khi dùng thuốc trong mộ thời gian dài có hiện tượng nữ hoá như ngực to và bất lực. Còn phụ nữ sẽ bị rối loạn kinh nguyệt, rong kinh, nếu đang cho con bú thì tăng tiết sữa bất thường. Hơn nữa sau một thời gian dài dùng ma tuý các cơ quan trong cơ thể bị huỷ hoại một cách nghiêm trọng nên dần dần ham muốn, nhu cầu tình dục sẽ bị giảm sút và thể lực cũng không còn đủ để cho họ quan hệ tình dục một cách bình thường.
>>>Xem thêm
- Bao nhiêu kg ma tuý thì tử hình
- Sử dụng MA TUÝ bao nhiêu lần thì Nghiện?
- Có bao nhiêu hình thức Cai Nghiện ma tuý
Người nghiện ma tuý sống được bao lâu
Để trả lời cho câu hỏi người nghiện ma tuý sống được bao lâu thì cần phải căn cứ vào nhiều yếu tố thuận lợi. Nhưng có thể khẳng định rằng ma tuý là một chất vô cùng độc hại, nếu không cai nghiện sớm thì nó giống như bản án tử hình đeo trên cổ người nghiện. Người nghiện ma tuý có thể tử vong trong một thời gian ngắn vì các nguyên nhân dưới đây:
- Sử dụng quá liều gây suy hô hấp, ngừng thở, ngừng tuần hoàn.
- Ảo giác, hoang tưởng… tự gây tổn hại cho bản thân.
Đó là trường hợp tử vong nhanh. Còn lại thì cơ thể sẽ bị tàn phá một cách từ từ cho đến khi kiệt quệ mà dẫn đến tử vong. Người nghiện ma tuý có nguy cơ cao mắc căn bệnh thế kỷ HIV do sử dụng chung bơm kim tiêm, quan hệ tình dục một cách bừa bãi… Và giai đoạn cuối cùng của HIV đó chính là AIDS, hội chứng suy giảm miễn dịch. Người bị AIDS không hề chết vì bệnh này mà là chết do các bệnh cơ hội đơn giản khác như viêm da, viêm phổi,… biến chứng nặng.
Người nghiện ma tuý sống được bao lâu đã được giải thích rất rõ ràng trong bài viết trên. Không chỉ là nguy hiểm đến tính mạng, ma tuý còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bị nghiện. Họ sẽ dần dần xa lánh xã hội, chìm đắm vào những cơn phê pha, tự huỷ hoại cuộc sống của chính mình. Bởi vậy cai nghiện là biện pháp duy nhất để người nghiện trở lại với cuộc sống bình thường, giúp ích cho xã hội.