Tháng hành động quốc giaphòng chống HIV/AIDS năm nay được Ủy ban quốc gia phòng chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy mại dâm phát động với chủ đề “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS”, nhằm hưởng ứng và triển khai quyết liệt các giải pháp cụ thể hướng tới đạt mục tiêu 90-90-90 của Liên hợp quốc vào năm 2020.
Dịch HIV/AIDS vẫn đang là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dân, đến kinh tế,chính trị và trật tự an toàn xã hội. Do đó, công tác phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục được khẳng định là một nhiệm vụ phức tạp, phải được tiến hành thường xuyên và lâu dài, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước, sự tham gia của toàn xã hội và của mỗi người dân.
Hải Phòng là thành phố đứng thứ 4 về số người nhiễm hiện còn sống và đứng thứ 8 về số người nhiễm trên100.000 dân (376 người) so với cả nước. 14/15 quận/huyện với 222/223 xã, phường có người nhiễm HIV. Tính đến hết tháng 10 năm 2019, số người nhiễm HIV hiện còn sống 7.902 người, đã có 4.578 người tử vong do AIDS. Nguyên nhân chủ yếu làm lây nhiễm HIV là qua quan hệ tình dục và tiêm chích ma túy.
Dịch HIV/AIDS tại thành phố Hải Phòng đang trong giai đoạn dịch tập trung ở nhóm nguy cơ cao: nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm và nam quan hệ tình dục đồng giới. Việc triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đã làm giảm số lượng người nhiễm HIV, AIDS, tử vong phát hiện hàng năm. Xu hướng dịch HIV/AIDS tại thành phố Hải Phòng giảm dần 10 năm trở lại đây, bao gồm cả 3 chỉ số: số nhiễm mới, số chuyển AIDS, số tử vong.
Trong những năm qua,thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức công tác phòng, chống HIV/AIDS; hệ thống phòng chống HIV/AIDS không ngừng được kiện toàn, tăng cường về số lượng và chất lượng; công tác phối hợp liên ngành tiếp tục được đẩy mạnh; các hoạt động dự phòng chăm sóc, điều trị và hỗ trợ người nhiễm HIV được triển khai mở rộng; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS chặt chẽ và hiệu quả.
Tuy vậy công tác phòngchống HIV/AIDS đang đứng trước những khó khăn thách thức rất lớn: dịch HIV/AIDS còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ ở một số khu vực và nhóm đối tượng; tỷ lệ số người đã nhiễm HIV được biết tình trạng nhiễm HIV của mình, tỷ lệ số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút còn chưa tiệm cận chỉ tiêu 90–90–90 trong phòng, chống HIV/AIDS mà chúng ta đặt ra tới năm 2020. Bên cạnh đó, nguồn tài trợ nước ngoài cho phòng chống HIV/AIDS bị cắt giảm nhiều, nguồn lực của nhà nước còn hạn chế. Điều này đòi hỏi cần sự camkết và nỗ lực lớn hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa của mỗi người dân trong việc nâng cao nhận thức về phòng chống HIV/AIDS; đòi hỏi chương trình phòng chống HIV/AIDS cần phải có những điều chỉnh thích hợp với tình hình mới.
Nhằm cùng cả nước thực hiện mục tiêu 90-90-90 và mục tiêu 3 không của Liên hợp quốc: “Không còn người nhiễm mới, không còn người tử vong do AIDS, và không còn sự kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS”, tiến tới kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2020, mà Việt nam là nước đầu tiên ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương cam kết thực hiện. Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam đề nghị: các cấp ủy Đảng,chính quyền, đoàn thể triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nghị quyết,chỉ thị của Trung ương, Thành ủy về công tác phòng chống HIV/AIDS trong tình hình mới và kế hoạch hành động của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện Chiếnlược quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Coi đây là mộttrong những nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, liên tục của sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội và đảm bảo an sinh xã hội của từng địa phương, cơ quan đơn vị. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức phù hợp,trực tiếp đến từng nhóm đối tượng và từng người dân; chú trọng nhấn mạnh các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của người HIV, lợi ích của người nhiễm khi tham gia Bảo hiểm y tế. Từng địa phương, cơ quan đơn vị cá nhân cầnphải tích cực, nỗ lực hơn nữa tham gia phong trào “Toàn dân phòng, chống HIV/AIDS” tăng cường hỗ trợ, giúp đỡ một cách thiết thực hiệu quả hơn nữa đối với người nhiễm HIV/AIDS; đồng thời đầy mạnh các biện pháp can thiệp giảm tác hại, đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy, mại dâm.
Ngành Y tế cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là các dịch vụ can thiệp giảm thiểu tác hại; dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Tăng cường tuyên truyền vận động người nghiện tham gia điều trị thay thế bằng Methadone.Phối hợp với các cấp các ngành các tổ chức đoàn thể tăng cường tuyên truyền,vận động, hỗ trợ người bị nhiễm HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế, tham gia điều trị ARV, theo dõi tải lượng virus.